Tại hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng vào ngày 3-3, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để phát triển bền vững ngành tôm.
Số liệu báo cáo từ Tổng cục Thủy sản cho thấy năm 2022, tổng sản lượng ngành tôm của Việt Nam tăng 8,5% so với năm 2021. Mặc dù diện tích nuôi tôm không tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Theo đó, diện tích tôm nước lợ thả nuôi đạt 747.000 ha, tương đương với năm 2021; sản lượng tôm nuôi các loại năm 2022 đạt 1.080,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỉ USD (tăng 11,2% so với năm 2021).
Tại hội nghị, đại diện Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam… đã nói lên những khó khăn, trăn trở trong công tác phát triển, quản lý chất lượng trong ngành tôm hiện nay. Đó là công tác chia sẻ thông tin chưa tốt; việc cập nhật tình hình sản xuất, số lượng giống kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ tôm chưa kịp thời tại một số địa phương là nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình quản lý. Ngoài ra, 2 rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến năng suất tôm là dịch bệnh và giá cả.
Một khó khăn nữa đối với ngành tôm là chi phí sản xuất vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn chiếm tỉ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng… Các quốc gia có thế mạnh phát triển nuôi tôm như Indonesia, Ecuador, Trung Quốc đều đặt mục tiêu tăng sản lượng nuôi. Vì vậy dự báo năm 2023, người nuôi tôm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh mạnh mẽ với nguồn cung tăng của các nước.
Theo quy luật, quý I hằng năm ở các nước Nam bán cầu như Indonesia, Ecuador… bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm, trong khi vụ tôm ở ĐBSCL mới bắt đầu thả nuôi. Mặt khác, theo yêu cầu tất cả lô hàng đều phải có truy xuất nguồn gốc nhưng việc cấp mã số cơ sở nuôi hiện vẫn rất thấp. Bên cạnh đó, vùng nuôi tôm diện tích lớn nhưng phần nhiều là hộ nuôi nhỏ lẻ; việc gom đất, xây dựng, đầu tư phát triển vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ hiện đại là rất khó khăn do giá đất tăng cao và khó có diện tích đủ lớn như mong muốn; hoạt động thành lập các HTX nuôi tôm còn chậm.
Phát biểu, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mong muốn nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị chỉ đạo ngành tôm chủ động tạo mối liên kết chặt chẽ nhằm tạo ra những hiệu ứng tích cực. Đồng thời, cần có nhiều hội nghị chuyên về con tôm giống để giải quyết dứt điểm các bất cập liên quan. “Các tỉnh mở rộng diện tích nuôi tôm an toàn, đúng phương thức. Doanh nghiệp cần giảm giá thành sản xuất tôm, bởi chi phí thức ăn hiện tại là rất cao, đây là lý do diện tích nuôi tôm năm nay bị chững lại. Có như vậy mới nâng cao năng lực cạnh tranh của con tôm Việt Nam với các nước Ấn Độ, Indonesia, Ecuador… và xa hơn là tạo bước phát triển toàn diện, bền vững cho ngành tôm Việt Nam trong những năm tiếp theo” – ông Phùng Đức Tiến đề nghị.